Để trang bị cho nhà chăn nuôi những kiến thức về bệnh Gumboro, Công ty TNHH Việt Pháp Quốc Tế (Viphavet) sẽ cung cấp thông tin kiến thức về bệnh, bao gồm nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng, bệnh tích, cũng như hướng dẫn nhà chăn nuôi phòng và trị bệnh bằng những biện pháp tối ưu nhất.
Bệnh Gumboro không còn là một căn bệnh xa lạ đối với nhà chăn nuôi, bởi vì đây là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất với tỷ lệ chết có thể lên tới 30%, ảnh hưởng đến không chỉ sức khỏe của đàn gà, mà còn gây thiệt hại lớn tới năng suất và hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi gia cầm.
Với mong muốn trang bị cho nhà chăn nuôi thông tin bổ ích để phòng và trị bệnh Gumboro trên gia cầm được hiệu quả, Công ty TNHH Việt Pháp Quốc Tế (Viphavet) sẽ cung cấp thông tin kiến thức về bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này, bao gồm nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng, bệnh tích, phương pháp điều trị cũng như hướng dẫn nhà chăn nuôi phòng bệnh bằng những biện pháp tối ưu nhất.
1. Bệnh Gumboro là gì?
Bệnh Gumboro hay còn gọi là bệnh viêm túi huyệt truyền nhiễm (Infectious Bursal Disease - IBD). Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính ở gà, gây thiệt hại lớn trong quá trình chăn nuôi (tăng tỷ lệ chết loại, giảm tăng trọng, tăng FCR,...). Bệnh này do một loại virus gây ra chủ yếu cho gà từ 3-6 tuần tuổi. Tỷ lệ nhiễm trong đàn cao, tỷ lệ chết 10-30% (nhưng cũng có thể cao hơn nếu khâu chăm sóc nuôi dưỡng kém,...).
Virus gây bệnh tích chủ yếu ở túi Fabricius làm túi bị sưng, xuất huyết và sau đó teo đi. Túi Fabricius là cơ quan miễn dịch, biệt hóa tế bào lympho B (đóng vai trò hình thành miễn dịch dịch thể của gà) nhằm chống lại mầm bệnh. Tuy nhiên, khi túi Fabricius bị viêm sưng hoặc teo sẽ làm gà bị suy giảm miễn dịch hoặc sẽ mất khả năng đáp ứng miễn dịch khi sử dụng các loại vaccine phòng bệnh, dẫn đến việc gà dễ nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác.
Bệnh Gumboro được phát hiện vào năm 1957 ở vùng Gumboro, bang Delaware, Mỹ (nên lấy tên bệnh là Gumboro). Năm 1962, bệnh được mô tả chi tiết bởi Cosgrove và virus Gumboro được phân lập. Năm 1970, bệnh được gọi là bệnh viêm túi huyệt truyền nhiễm (Infectious Bursal Disease - IBD).
Kể từ khi phát hiện bệnh Gumboro tới nay, bệnh đã gây thiệt hại lớn đến kinh tế đối với các nước chăn nuôi gà công nghiệp. Cuối những năm 1980, chủng virus độc lực rất cao (Very Virulent Strain) đã được phân lập tại Hà Lan, sau đó nhanh chóng lan sang châu Phi, châu Á và châu Mỹ. Tuy nhiên, tại các nước như Úc, New Zealand và Mỹ lại không phân lập được chủng này. Tổ chức thú y thế giới năm 1992 đã chính thức công bố tên bệnh, mầm bệnh, các phương pháp chẩn đoán, các loại vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, do virus Gumboro có nhiều chủng, tính tương đồng kháng nguyên thấp nên việc phòng chống bệnh chưa đạt hiệu quả cao.
Tại Việt Nam, bệnh xuất hiện trước những năm 1980 và đã gây tổn thất lớn vì khi đó người chăn nuôi chưa có kinh nghiệm và kiến thức về bệnh và cho đến nay bệnh Gumboro vẫn là nỗi ám ảnh của người chăn nuôi.
2. Nguyên nhân gây bệnh
2.1. Phân loại
IBDV là loại virus thuộc họ Birnaviridae, giống Avibirnavirus, loài Infectious bursal disease virus. Các virus thuộc họ này đều đặc trưng bởi cấu tạo nhân gồm 2 đoạn ARN sợi đôi.
Phân loại các chủng virus Gumboro theo độc lực:
Chủng cổ điển (Classical virulent strains – IBDV): gây chết gà từ 1-2%, nhiễm trùng < 3 tuần tuổi và có thể gây suy giảm miễn dịch.
Chủng rất độc (Very virulent strains – vvIBDV): gây chết gà từ 20-25% (có thể từ 50-60%), gây suy giảm miễn dịch ở mọi lứa tuổi.
Biến chủng (Variant strains – vIBDV): Có thể không gây chết hay gây chết < 5%. Nhiễm bệnh gây suy giảm miễn dịch do làm teo túi Fabricius.
2.2. Hình thái, cấu trúc
Virus có dạng hình khối đa diện đều, có dạng trần và không có vỏ bọc (do đó virus có sức đề kháng cao với môi trường tự nhiên, không dễ bị tiêu diệt). Kích thước khá nhỏ, đường kính 55-65 nm. Cấu tạo virus đơn giản chỉ gồm nhân chứa ARN (sợi đôi phân làm hai đoạn A & B) và lớp vỏ Capsid bao bọc bên ngoài (vỏ này có chứa các thành phần kháng nguyên của virus).
Lớp Capsid chứa 32 Capsome, mỗi capsome lại được cấu tạo bởi 5 loại protein cấu trúc kí hiệu lần lượt là VP1, VP2, VP3, VP4 và VP5 (Viral protein – VP).
Trong đó VP1 là men ARN Polymerase của virus.
VP4 là men protease.
VP5 chưa rõ vai trò, có thể đóng vai trò trong quá trình nhân lên và tái tổ hợp của virus.
VP2 và VP3 quyết định tính kháng nguyên của virus đặc biệt là VP2 (Kích thích cơ thể vật chủ sản sinh ra kháng thể đặc hiệu và kháng thể này sẽ có vai trò vô hiệu hóa khả năng gây bệnh của virus khi xâm nhập).
Cấu trúc virus IBD
2.3. Sức đề kháng
Virus không có vỏ bọc, do đó có sức đề kháng cao trong tự nhiên, không mẫn cảm với ether & chloroform. Virus bị vô hoạt ở pH ≥ 12 và pH ≤ 2. Virus bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56 độ C trong vòng 5 giờ đồng hồ. Ở nhiệt độ 70 độ C, virus bị tiêu diệt nhanh. Các chất hóa học có thể tiêu diệt được virus như formalin 0,5% sau 6 giờ, Phenol 0,5% sau 1 giờ, Chloramin 0,5% sau 10 phút. Virus tồn tại rất lâu (trên 4 tháng) trong phân, rác, chất độn chuồng ở điều kiện chuồng trại bình thường. Do đó, trong quá trình chăn nuôi, nếu khâu vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi lứa không đảm bảo, không để thời gian trống chuồng thì mầm bệnh có thể lưu trữ lâu và gây bệnh cho các lứa sau.
2.4. Dịch tễ học
Gà là loài cảm nhiễm với bệnh (các giống gà nuôi thịt dài ngày, ngắn ngày, gà đẻ đều cảm nhiễm) và trong tự nhiên, một số tác giả cho rằng gà tây, vịt cũng có thể bị nhiễm bệnh.
Gà từ 3-9 tuần tuổi (đặc biệt là gà 3-6 tuần tuổi) cảm nhiễm với bệnh mạnh nhất, tuy nhiên cũng có trường hợp mắc bệnh sớm hơn (9 ngày tuổi) hoặc muộn hơn sau 9 tuần tuổi. Gà dưới 3 tuần tuổi bị mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng lâm sàng nhưng gây hậu quả là suy giảm miễn dịch.
Bệnh xảy ra quanh năm, nhiều nhất vào lúc thời tiết nóng ẩm trong năm. Tỷ lệ mắc bệnh trong đàn cao, thường lên tới 100%, tỷ lệ chết 10-30% (thậm chí còn hơn), gà bắt đầu chết sau 3 ngày bị bệnh và chết nhiều nhất sau 5-7 ngày. Sau đó thì gà sẽ không tái nhiễm Gumboro, tuy nhiên trên thực tế tỷ lệ chết có thể lên đến 50-100%.
2.5 Cơ chế sinh bệnh
Cơ chế gây bệnh của Virus Gumboro
3. Triệu chứng và bệnh tích
3.1. Thể bệnh của bệnh Gumboro
Bệnh Gumboro có 3 thể bệnh:
Thể suy giảm miễn dịch: gặp ở gà nhỏ hơn 2-3 tuần tuổi làm teo túi Fabricius, dễ ghép các bệnh khác.
Thể lâm sàng (cấp tính): gặp ở gà 3-6 tuần tuổi, gà chết nhanh tỷ lệ chết >10% và những gà qua khỏi thì chậm lớn, năng suất kém.
Thể cận lâm sàng: tuy không biểu hiện bệnh ra lâm sàng nhưng gà chứa mầm bệnh, bài thải ra ngoài môi trường, ảnh hưởng tới năng suất và dễ ghép các bệnh khác.
3.2. Triệu chứng
Thời gian nung bệnh rất ngắn thường là 2-3 ngày sau khi virus xâm nhập vào cơ thể. Triệu chứng đầu tiên là trong đàn gà thấy xuất hiện một số con quay đầu tự mổ vào hậu môn, đàn gà nháo nhác có hiện tượng hoảng loạn, kêu nhiều.
Sau 2-3 ngày thấy gà uống nhiều nước, nền chuồng bị ướt nhanh do gà bị tiêu chảy, mặc dù gà bị tiêu chảy nhưng gà có biểu hiện khó đi phân (lông gáy dựng ngược, đầu gối khuỳnh ra, hậu môn hạ thấp, toàn bộ cơ rung lên). Phân lỏng nhiều nước, trắng, nhớt. Gà nằm liệt, ủ rũ, ít vận động, lông bết, nhất là vùng xung quanh lỗ huyệt.
Gà chết tập trung vào ngày thứ 3-5 và sau đó giảm dần đến ngày 9-10 thì dừng lại.
Triệu chứng bệnh Gumboro trên gà
3.3. Bệnh tích
Gà chết thường có biểu hiện xuất huyết nặng cơ đùi, cơ ngực có khi xuất huyết thành từng vệt lớn hoặc lấm chấm, các cơ quan của gà khô rất nhanh do mất nhiều nước.
Túi Fabricius sưng to, xuất huyết, có bựa bã đậu trong túi Fabricius
Thận sưng, tích muối urat trong ống dẫn niệu
Xuất huyết ranh giới giữa dạ dày tuyến và dạ dày cơ
Xuất huyết cơ đùi thành vệt
4. Phương pháp điều trị
Bệnh do virus gây ra do đó không có thuốc đặc trị. Không được sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh có thể dùng thuốc để can thiệp hỗ trợ điều trị theo triệu chứng và nâng cao miễn dịch cho gà.
Nhanh chóng tách riêng những con có biểu hiện bệnh ra ô bệnh viện và sử dụng thuốc hạ sốt có thành phần như Paracetamol, Aspirin hoặc Anagin C (Liều theo khuyến cáo nhà sản xuất) để cho gà uống (những con nặng không ăn uống cần phải bơm thuốc trực tiếp vào miệng). Sau đó sử dụng thuốc nâng cao và giải độc chức năng gan thận như:
Tiếp theo dùng Sealyt Spark (với liều một viên 16G/200L nước) để cung cấp năng lượng, điện giải và bù nước nhanh chóng.
Nâng cao miễn dịch bằng Searup Still (cho uống với liều 1ml/10 tấn thể trọng) pha uống kéo dài 6-8 tiếng. Cho uống với liệu trình 4-5 ngày liên tục.
Ngoài ra, trên thị trường có bán kháng thể Gumboro được sản xuất từ lòng đỏ trứng gà chứa kháng thể kháng Gumboro, Newcastle (ND), IB dùng tiêm cho gà bị bệnh nhằm trung hòa virus trong máu và nâng cao sức đề kháng cho gà.
5. Phòng bệnh
5.1. Vệ sinh tiêu độc khử trùng
Đối với bệnh truyền nhiễm nói chung và Gumboro nói riêng, việc phòng bệnh cực kì quan trọng trong thành công của chăn nuôi gà. Cần nâng cao và thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn sinh học trong và ngoài khu chuồng nuôi, nhằm ngăn chặn mầm bệnh từ ngoài vào và giảm áp lực mầm bệnh trong trang trại.
Người chăn nuôi nên sử dụng chất tẩy trùng DT Foam trước khi thực hiện vệ sinh và phun thuốc sát trùng. Với khả năng tạo bọt ổn định làm nước ngấm sâu vào các mảng bụi bẩn và cắt đứt các liên kết của mảng bám sinh học, DT Foam sẽ dễ dàng tẩy trôi các mảng bám cứng đầu, loại bỏ các mảng bám hữu cơ, chất độn chuồng, lông,... trong khu vực chăn nuôi. Ngoài ra, DT Foam không gây ăn mòn kim loại và hoạt động được cả trong điều kiện nước cứng và với pH kiềm (liều 1% pH=12,23; liều 2% pH=12,56, nguyên chất pH=13,81), với pH này sẽ làm bất hoạt virus Gumboro.
Cách dùng: DT Foam dùng phun tạo bọt với liều 1-2%, dùng 100-200ml dung dịch đã pha dùng cho 1m2 bề mặt, với thời gian tiếp xúc 10-20 phút. Ngoài ra còn có thể dùng để ngâm rửa dụng cụ với liều 2%.
Sau bước tẩy trùng, sử dụng sản phẩm sát trùng Prophyl-75 với hoạt chất Phenol tổng hợp để tiêu diệt virus Gumboro hiệu quả. Virus dễ dàng bị tiêu diệt ở liều 0,5-1% trong 40-50 phút.
Cách dùng: Pha thuốc với nồng độ 0,5-1%, phun 300ml dung dịch đã pha trên 1m2 bề mặt, sau khi phun để yên tắt quạt, đóng kín các cửa trong vòng 40-60 phút.
5.2. Phòng bệnh bằng vaccine
Gà con ở các đàn bố mẹ được tiêm vaccine Gumboro vô hoạt trước khi lên đẻ 1-2 tuần sẽ được bảo hộ trong vòng 1-2 tuần đầu tiên. Do đó, việc sử dụng vaccine sống để chủng ngừa cho gà con sẽ giảm hiệu quả khi chủng ngừa sai thời điểm và do tính đặc thù của virus Gumboro (tính đồng kháng nguyên thấp, nhiều biến chủng,...). Vì vậy, muốn nâng cao hiệu quả phòng bệnh thì cần phải chú ý đến loại vaccine, lứa tuổi gà, đường cấp vaccine và thời điểm sử dụng vaccine.
VACCINE SỐNG VACCINE PHỨC HỢP
VACCINE VECTOR
Một số vaccine sống nhược độc phòng bệnh Gumboro như:
Vaccine Bur-706 (Vaccine sống - dòng trung bình S706) chủng ngừa lần đầu lúc 2-5 ngày cho bảo hộ sớm và toàn diện.
Vaccine IBD Blen (Vaccine sống - dòng trung bình cộng Winterfield 2512) cấp cho gà khỏe mạnh 7-14 ngày tuổi
Vaccine sống phức hợp kháng nguyên kháng thể dòng trung bình cộng Winterfield 2512: BDA Blen giúp chủng ngừa sớm tiêm trứng lúc 18-19 ngày hoặc lúc 1 ngày tuổi và không ảnh hưởng bởi kháng thể mẹ truyền
Hiện nay ngoài vaccine sống và vaccine vô hoạt, công ty Boehringer Ingelheim đã nghiên cứu và đưa ra các dòng vaccine phòng bệnh Gumboro với công nghệ vector như:
VAXXITEK®HVT+IBD: Vaccine vector liên kết tế bào, chủng HVT và đoạn gen VP2 của IBD phòng bệnh Gumboro và Marek trên gà.
VAXXITEKK®HVT+IBD+ND. Vaccine vector liên kết tế bào, phòng cùng lúc 3 bệnh Marek, IBD, ND.
Với công nghệ này, vaccine không chịu ảnh hưởng bởi kháng thể mẹ truyền, không gây tổn thương cơ quan miễn dịch, đáp ứng miễn dịch sớm và nhanh, mà kháng thể được tạo ra kéo dài, không bài thải virus ra ngoài môi trường, không biến đổi và hồi phục độc lực, an toàn và cải thiện năng xuất tối ưu cho bà con chăn nuôi.
Tác giả: BSTY. Nguyễn Văn Xuyên - Nhân viên kỹ thuật Miền Bắc
Công ty TNHH Olmix Asialand Việt Nam