Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB) là một bệnh có tỷ lệ nhiễm cao và gây giảm hiệu quả kinh tế nghiêm trọng đối với ngành chăn nuôi gà cả ở Việt Nam và trên thế giới. Bệnh khó kiểm soát do sự xuất hiện của nhiều biến chủng virus IB mới. Bệnh gây rối loạn hô hấp nghiêm trọng, viêm thận và giảm sản lượng cũng như chất lượng trứng.
Với mong muốn trang bị cho nhà chăn nuôi thông tin bổ ích để phòng và trị bệnh IB trên gia cầm được hiệu quả, Công ty TNHH Việt Pháp Quốc Tế (Viphavet) và công ty TNHH Olmix Asialand Việt Nam sẽ cung cấp thông tin kiến thức về bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này, bao gồm nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng, bệnh tích, phương pháp điều trị cũng như hướng dẫn nhà chăn nuôi phòng bệnh bằng những biện pháp tối ưu nhất.
1. Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB) là gì?
1.1. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguy hiểm do Coronavirus gây ra với sự đa dạng về serotype. Đây là một ARN virus có vỏ bọc với khả năng biến chủng rất nhanh nên dễ biến đổi, dẫn đến có rất nhiều biến chủng khác nhau, gây ra các triệu chứng và bệnh tích khác nhau giữa các chủng.
Virus IB tồn tại rất lâu trong phân, chất độn chuồng, bị bất hoạt sau 15 phút ở 56°C và sau 90 phút ở 45°C. Virus có khả năng tồn tại lâu bên ngoài chuồng nuôi lên đến 56 ngày vào mùa đông và 12 ngày vào mùa xuân. Virus nhạy cảm với hầu hết các chất khử trùng thông thường như propiolactone 0,05-0,1%, formalin 0,1%, phenol.
Cấu trúc Avian Coronavirus (Cavanagh,2007)
1.2. Dịch tễ bệnh
Bệnh được phát hiện đầu tiên năm 1931 tại Mỹ khi thấy gà con có triệu chứng hô hấp, sau đó đến năm 1936 phân lập và phát hiện virus IB. Những nghiên cứu sau đó đã chứng minh IB có ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất trứng trên gà. Hiện nay, chủng IB có nhiều biến chủng như:
Gl - 1: Mass, H120 và conn
Gl - 13: 793B (491, 1/96, CR88)
Gl - 16: Q1 (IZO 28/86)
GI - 19: QX, QX – like
Gl - 21: Italy-02
Gl - 23: IS Variant 2
Sơ đồ cây sinh dòng virus IB
Phân bố IB virus trên thế giới (Faruku Bande, 2017)
1.3. Dịch tễ chủng IB tại Việt Nam
Hiện nay, tình hình IB tại Việt Nam cũng diễn biến hết sức phức tạp, nhiều nghiên cứu đã chứng minh phân lập nhiều biến chủng IB đã xuất hiện tại Việt Nam như Nghiên cứu dịch tễ học bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB Virus) ở gà nuôi tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam: Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Nguyên từ năm 2014 – 2017 cho thấy sự hiện diện của 3 chủng IBV với kiểu gen khác nhau là Q1- like, Qx- like, và TC02-2-like (Nguyễn Thị Loan, 2018). Theo Võ Thị Trà An (2012) sau khi phân lập chủng virus IB trên 100 mẫu bệnh tích khí quản sung huyết hoặc có nhiều dịch nhầy ở tại các trại gà công nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho thấy, phát hiện 9 mẫu dương tính với gene S của virus IB. Giải trình tự gen cho thấy 4 mẫu trong tương đồng với serotype 793B dòng 4/91 và 1 mẫu tương đồng với serotype Mass dòng H120 (2).
Theo số liệu thống kê từ phòng Vipha.Lab, ba tháng đầu năm 2024 số lượng mẫu gửi về phòng lab kiểm tra PCR virus IB tăng đột biến (54 mẫu), chủ yếu trên 2 đối tượng là gà thịt lông trắng và gà hậu bị, đẻ, gà giống. Mức độ dương tính của các mẫu được ghi nhận rất cao, 37 mẫu/ 54 mẫu với tỷ lệ hơn 68%, gần bằng số lượng mẫu cả năm 2023 (56 mẫu). Điều này cho thấy viễn cảnh phức tạp và phổ biến do các chủng IB virus gây ra. Kết quả định chủng virus cho thấy sự hiện diện của các biến chủng QX và O2 ngoài các chủng Mass và 793B.
2. Phương thức truyền lây của bệnh viêm phế quản
Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, gà con nhỏ hơn 2 tuần tuổi khi mắc bệnh sẽ có triệu chứng và bệnh tích nặng hơn. Gà càng lớn thì bệnh tích trên thận, hệ thống sinh sản và tỷ lệ chết sẽ thấp hơn. Bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp và tiêu hóa thông qua không khí, các dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, nước uống và các thiết bị chăn nuôi khác (Hofstad and Yoder, 1996). Khi gà mắc bệnh, thời gian ủ bệnh tương đối ngắn khoảng 18 - 36 giờ, sau đó bệnh có thể lây lan ra toàn đàn chỉ trong 1 hoặc 2 ngày. Đối với những gà có sức đề kháng yếu thường xuất hiện triệu chứng bệnh trong vòng 48 giờ.
Gà bị nhiễm bệnh có thể mang virus hàng tháng và thải ra môi trường qua dịch mũi và phân, từ đó khiến cho bệnh lây lan từ đàn này sang đàn khác rất nhanh.
Khi gà mắc bệnh, IBV hiện diện ở nhiều tế bào như biểu mô mũi, khí quản, phổi, lách, mạch máu cơ tim, gan, đường ống dạ dày, ruột, thận, da, màng cứng của mắt, tuỷ sống và neuron thần kinh, cơ quan sinh dục.
Phương thức truyền lây của bệnh IB
Virus IB tấn công vào các cơ quan trong cơ thể gà
3. Triệu chứng bệnh tích
Gà mắc bệnh IB có biểu hiện lâm sàng và các triệu chứng và bệnh tích đặc trưng như hô hấp khó khăn, sưng đầu, viêm kết mạc, khí quản và phổi xuất huyết, viêm đường hô hấp và sinh sản, thận sưng và lắng đọng urate... đặc biệt là hiện tượng tích dịch trong tử cung “gà đẻ giả”.
3.1. Triệu chứng bệnh IB biểu hiện trên gà thịt
Bệnh xảy ra trên mọi lứa tuổi gà với những biểu hiện đầu tiên như:
Gà sốt, ủ rũ, ăn uống kém.
Hô hấp khó khăn, gà thường vươn cổ để thở.
Sưng đầu, viêm kết mạc mắt.
Tiêu chảy phân loãng, nhiều nước.
Tỷ lệ chết có thể lên đến 25-30%
Bệnh gây ảnh hưởng rất lớn lên kinh tế của người chăn nuôi như:
Trọng lượng kém và tăng FCR
Tăng tỉ lệ loại thải ở quầy thịt
Tăng các bệnh phụ nhiễm, tăng dùng kháng sinh.
Ảnh hưởng năng suất lớn hơn trên tỉ lệ chết
Bệnh tích lâm sàng:
Khi mổ khám bệnh tích ở những gà mắc bệnh thường thấy xuất huyết nhiều cơ quan trên đường hô hấp như niêm mạc mắt, khí quản, phổi và đường khí quản chứa nhiều dịch nhầy có bọt khí.
Bọt mắt, viêm xuất huyết niêm mạc mắt
Xoang mũi nhiều dịch nhầy, khí quản xuất huyết
Đáy phổi sậm màu, ống dẫn trứng tích dịch,khí quản viêm xuất huyết, chứa nhiều dịch nhầy
Nếu gà mắc bệnh IB phụ nhiễm với bệnh cúm gia cầm độc lực thấp H9N2 thì triệu chứng bệnh tích sẽ nặng hơn. Gà thường có biểu hiện sốt cao, giảm ăn, hô hấp kém, xuất hiện kén vàng khí quản, gia tăng tỷ lệ chết, và tăng nguy cơ gà phụ nhiễm với các vi khuẩn gây bệnh khác.
Kén vàng ngã ba khí phế quản, viêm xuất huyết và tích casein khí quản
3.2. Triệu chứng bệnh IB biểu hiện trên gà đẻ/ gà giống
Gà mắc bệnh IB ở những giai đoạn khác nhau sẽ có biểu hiện triệu chứng và bệnh tích khác nhau. Giai đoạn gà từ 1-10 ngày tuổi nếu mắc bệnh thường có biểu hiện cả thể hô hấp và thể thận như gà khó thở, xuất huyết khí quản, phổi, thận gà sưng, nhạt màu và tích urate trong ống thận. Khi gà hậu bị mắc bệnh, virus sẽ tấn công đường hô hấp và cơ quan sinh dục làm ống dẫn trứng bị tổn thương, giảm tỷ lệ đẻ và chất lượng trứng gà. Gà có biểu hiện bụng sệ, đứng và đi lại như chim cánh cụt. Nếu gà trong giai đoạn đẻ mắc bệnh IB thì tỷ lệ đẻ có thể giảm tới 50%, Trứng gà bệnh thường méo mó, kích thước không đều, vỏ nhạt và sần sùi, lòng trắng trứng loãng. Mổ khám có thể thấy ống dẫn trứng tích nhiều dịch tạo thành bọc lớn trong xoang bụng.
Khí quản xuất huyết, tiết nhiều dịch nhầy
Bệnh tích điển hình IB virus trên túi ống dẫn trứng phải, vỡ trứng trong xoang bụng, tích dịch trong ống dẫn trứng.
Trứng mỏng vỏ, vỏ lụa, dị dạng
Lòng trắng trứng loãng
Gà có hiện tượng đẻ giả, tư thế như chim cánh cụt
Thoái hóa nang trứng, xuất huyết cơ liên sườn đáy phổi, tích dịch ống dẫn trứng
4. Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm phế quản truyền nhiễm ở gà
Chẩn đoán bệnh bằng cách dựa vào bệnh tích lâm sàng và mổ khám bệnh tích. Song song đó người chăn nuôi cần tiến hành lấy mẫu gửi về Vipha.Lab kiểm tra để chẩn đoán chính xác và có giải pháp hỗ trợ thích hợp.
Hiện nay, Phòng chẩn đoán và xét nghiệm thú y – dinh dưỡng vật nuôi Vipha.Lab có thể chẩn đoán bệnh IB qua nhiều phương pháp như kiểm tra ELISA thông qua mẫu máu, xét nghiệm bằng phương pháp lấy mẫu cơ quan nội tạng kiểm tra Realtime – PCR định chủng, xác định chính xác các chủng IB đang lưu hành tại trại ngoài các chủng vaccine đã sử dụng. Hiện Vipha.Lab đã và đang hỗ trợ phân tích định chủng virus IB với 10 chủng bao gồm các chủng cổ điển và biến chủng bao gồm:
Định chủng virus IB chủng 4/91 (CR88, 793B)
Định chủng virus IB chủng QX
Định chủng virus IB chủng IB80
Định chủng virus IB chủng Massachusetts
Định chủng virus IB chủng Arkansas
Định chủng virus IB chủng D724
Định chủng virus IB chủng D1466
Định chủng virus IB chủng Italy02
Định chủng virus IB chủng Variant Q1
Định chủng virus IB chủng Variant O2
5. Phương pháp phòng bệnh
5.1 Thực hiện an toàn sinh học
Để phòng bệnh viêm phế quản truyền nhiễm tốt trong trang trại chăn nuôi, người chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác an toàn sinh học tại trại như:
Cùng vào cùng ra, khu vực chăn nuôi hậu bị và đẻ riêng biệt.
Khu vực chăn nuôi phải tách biệt với khu dân cư và nhà ở.
Có hệ thống tường rào bảo vệ xung quanh trại.
Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, tiêu độc khử trùng xung quanh trang trại.
Hệ thống phun sát trùng cho người và xe vận chuyển.
Thực hiện tốt 6 bước trong quy trình vệ sinh - sát trùng sau mỗi lứa nuôi.
Quy trình sát trùng chuồng trại
Người chăn nuôi nên sử dụng chất tẩy trùng DT Foam trước khi thực hiện vệ sinh và phun thuốc sát trùng. Với hoạt chất tạo bọt và chất chống ăn mòn kim loại, DT Foam là một chất tẩy trùng mạnh mẽ, thân thiện với môi trường giúp tẩy rửa và bảo vệ tối ưu các dụng cụ trang thiết bị chuồng trại một cách hoàn hảo. Người chăn nuôi có thể sử dụng DT Foam theo 2 cách
Phun xịt/ Phun tạo bọt: Phun dung dịch DT Foam nồng độ 2% lên bề mặt bằng máy phun áp lực (3-10 bar) hoặc súng tạo bọt chuyên dụng (150 bar- với lưu lượng 15 – 20 lít/ phút). Sử dụng 100 – 200ml dung dịch DT Foam 2% cho 1m2 diện tích bề mặt và để yên trong 15-30 phút. Chú ý không để cho bề mặt khô. Sau đó dùng nước rửa sạch loại bỏ bụi bẩn và chất hữu cơ bằng súng áp lực.
Ngâm tẩy: Sử dụng dung dịch DT Foam 2% để ngâm tẩy dụng cụ chăn nuôi: ủng, máng ăn, bình uống,… trong 15 – 20 phút. Sau đó rửa sạch lại bằng nước, để khô và phun thuốc sát trùng.
Cách sử dụng DT Foam
Bên cạnh việc thực hiện tốt các chỉ tiêu an toàn sinh học, việc lựa chọn thuốc sát trùng tốt, đảm bảo tiêu diệt được mầm bệnh, an toàn với người sử dụng và hạn chế ăn mòn kim loại cũng là một trong những tiêu chí cần lưu ý trong chăn nuôi. Hiện nay, với đặc tính ưu việt Prophyl-75 là thuốc sát trùng được sử dụng phổ biến tại nhiều trại chăn nuôi. Người chăn nuôi có thể sử dụng Prophyl-75 tại trại chăn nuôi như sau:
Sát trùng lần 1: Sử dụng Prophyl-75 với nồng độ 1%, liều lượng 300ml/1m2 diện tích bề mặt để kiểm soát: vi khuẩn, virus, nấm và bào tử nấm ở nền chuồng và trong không khí.
Lưu ý: Trong trường hợp sử dụng Prophyl-75 để tiêu diệt và khống chế nang noãn cầu trùng, khuyến cáo sử dụng với nồng độ 3%, liều lượng 300ml/ 1m2 bề mặt.
Sát trùng lần 2 hoặc định kỳ sát trùng xung quanh trại: khuyến cáo sử dụng Prophyl-75 với nồng độ 1%, liều lượng 300ml/ 1m2 diện tích bề mặt, trước khi gà về 56-72h hoặc định kỳ 2 tuần/ 1 lần.
Hố sát trùng đầu trại hoặc hố nhúng ủng: Sử dụng Prophyl-75 nồng độ 1%, 2 tuần thay 1 lần.
Prophyl-75 can 1L
5.2. Chăm sóc, quản lý
Ngoài việc vệ sinh sát trùng chuồng trại để đảm bảo an toàn sinh học thì việc quản lý, chăm sóc sức khỏe đàn gà và thực hành chăn nuôi tốt cũng đóng vai trò rất quan trọng trong chăn nuôi gà, nhất là trong giai đoạn cúm. Người chăn nuôi cần đảm bảo tiểu khí hậu chuồng nuôi trong trang trại như nhiệt độ, ẩm độ, độ thông thoáng,... theo từng giai đoạn phát triển của gà. Số lượng máng ăn, uống hợp lý, đảm bảo cho gà con được tiếp cận với thức ăn và nước uống sớm và đầy đủ góp phần tối ưu hóa việc hấp thu túi lòng đỏ, phát triển hệ thống tiêu hóa và hệ thống miễn dịch.
5.3. Vaccine viêm phế quản truyền nhiễm ở gà
Với sự biến đổi và xuất hiện biến chủng liên tục của virus IB, việc sử dụng vaccine phòng bệnh cho trại là cần thiết trong công tác phòng bệnh. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng chương trình IB Maxpro kết hợp sử dụng 2 dòng vaccine IB cổ điển (Bioral H120 NeO) và IB biến chủng (Gallivac IB88 NeO) sẽ có khả năng bảo hộ chéo cho các biến chủng còn lại: QX, QX like,Q1, It-02…
Sản phẩm Bioral H120 NeO
Sản phẩm Gallivac IB88 NeO
Nghiên cứu sử dụng chương trình IB MAXPRO: Sử dụng Bioral H120 NeO lúc 1 ngày tuổi và Gallivac IB88 NeO lúc 14 ngày tuổi cho khả năng bảo hộ tuyệt vời với chủng Italy- 02
Chương trình IB MAXPRO trên thí nghiệm công cường độc lúc 30 ngày cho kết quả bảo hộ tốt trên 80% đối với các biến chủng: QX, Q1-like, 793B,..
Hiệu quả bảo hộ tuyệt vời của Bioral H120 NeO và Gallivac IB88 NeO khi công cường độc chủng QX lúc 28 ngày (WVPA, 2017, GD)
Hiệu quả bảo hộ tuyệt vời của Bioral H120 NeO và Gallivac IB88 NeO khi công cường độc chủng Q1 lúc 28 ngày (WVPA, 2017, GD)
Bioral H120 NeO và Gallivac IB88 NeO mang lại hiệu quả cao đối với virus IB biến chủng QX-like ở Thái Lan, nhất là khi so sánh với các vaccine biến chủng 793B khác (WVPA, 2023)
5.3.1. Chương trình IB khuyến cáo cho gà thịt
Ngày tuổi | Sản phẩm | Cách sử dụng |
Ngày 1 | BIORAL H120 NeO (Chủng cổ điển Mass) | Phun tại trạm ấp |
Ngày 14 | GALLIVAC IB88 NeO | Phun xịt/ cho uống |
Lần 1: Lúc 1 ngày tuổi: Phun kết hợp Avinew NeO + Bioral H120 NeO + Gallivac IB88 NeO tại trạm ấp.
Lần 2: Lúc 9 -14 ngày tuổi: Phun nhắc lại Gallivac IB88 NeO bằng máy Ulvavac hoặc cho uống tại trại.
Trong trường hợp trại có áp lực cúm độc lực thấp H9, khuyến cáo sử dụng thêm sản phẩm Vaccine Gallimune H9+ND:
Đối với gà DOC: lúc 1 ngày tuổi: tiêm Gallimune H9+ND với liều 0,2ml/ con.
Đối với gà 10 ngày tuổi: Tiêm Gallimune H9+ND với liều 0,2ml/con tại trang trại.
5.3.2. Chương trình IB khuyến cáo cho gà đẻ/ gà giống
Tuổi gà | Sản phẩm | Cách sử dụng |
Ngày 1 | BIORAL H120 NeO | Phun tại trạm ấp |
Ngày 14 | GALLIVAC IB88 NeO | Phun xịt/ cho uống |
6 TUẦN | BIORAL H120 NeO | Phun xịt/ cho uống |
10 TUẦN | GALLIVAC IB88 NeO | Phun xịt/ cho uống |
15-16 TUẦN | GALLIMUNE 407 (ND-IB (M41) -ART- EDS) | Tiêm ức liều 0,3ml |
GIAI ĐOẠN ĐẺ | BIORAL H120 NeO | Phun xịt/ cho uống |
Trên gà đẻ/ gà giống và gà nuôi dài ngày thì việc sử dụng đồng thời cả vaccine sống và vaccine bất hoạt để phòng bệnh viêm phế quản truyền nhiễm ở gà đều rất quan trọng:
Vaccine sống: Sử dụng kết hợp Bioral H120 NeO và Gallivac IB88 NeO trong các giai đoạn nuôi giúp gia tăng khả năng bảo hộ cho các biến chủng Qx, Qx- like,.. Đây là các chủng đã và đang xuất hiện rất nhiều trong các trang trại ở Việt Nam. Song song đó việc sử dụng vaccine sống góp phần cung cấp khả năng miễn dịch tại chỗ, miễn dịch qua trung gian tế bào giúp ngăn chặn sự xâm nhập, nhân lên và giải phóng virus bên trong cơ thể. Điều này đóng vai trò như là tuyến phòng vệ đầu tiên của cơ thể.
Vaccine bất hoạt: Đóng vai trò tạo ra miễn dịch dịch thể giúp ngăn chặn virus lây nhiễm toàn thân cũng như xâm nhiễm vào hệ thống sinh sản của gia cầm, góp phần truyền kháng thể MDA cho gà con giúp bảo hộ khỏi việc nhiễm sớm và làm giảm phản ứng khi sử dụng trong những tuần tuổi đầu tiên.
Hiện nay, vaccine bất hoạt phòng bệnh IB được Olmix Asialand phân phối là vaccine Gallimune 407. Vaccine phòng 4 bệnh bao gồm IB dòng M41, Newcastle dòng Ulster 2C, Hội chứng giảm đẻ ở gà (EDS dòng 127) và hội chứng sưng phù đầu trên gà (SHS dòng VCO2 serotype B). Được sản xuất với công nghệ độc quyền là công nghệ ST6 giúp cô đặc kháng nguyên tạo nên liều tiêm thấp 0,3ml giúp an toàn, hiệu quả và giảm tổn thương cơ khi chủng ngừa cho gà.
Đặc điểm và lợi ích của vaccine Gallimune 407
Ngoài ra, sản phẩm Gallimune 407 được chứng minh an toàn và hiệu quả, cụ thể sau khi tiêm Gallimune 407 5 tuần cho thấy không có tổn thương nặng ở vị trí tiêm, mức độ tổn thương nhẹ ít hơn 50% so với các loại vaccine khác.
Điểm tổn thương cơ sau 5 tuần khi tiêm trên gà 3 tuần tuổi
Đồng thời, Gallimune 407 được áp dụng công nghệ ST6 có tính nhớt thấp, giúp người chăn nuôi tiêm chích dễ dàng và chính xác hơn.
Trong trường hợp trại có áp lực cúm độc lực thấp H9, Olmix Asialand khuyến cáo người chăn nuôi nên sử dụng thêm vaccine Gallimune H9+ND để phòng bệnh viêm phế quản truyền nhiễm ở gà vào chương trình của trại với chương trình như sau:
Vùng áp lực mầm bệnh cao:
Lần 1: Lúc 1 - 10 ngày tuổi: liều 0,2 ml/ con.
Lần 2: Từ 6 – 8 tuần tuổi: liều 0,3ml/ con.
Lần 3: Từ 2- 4 tuần tuổi đến trước khi bắt đầu đẻ: liều 0,3ml/ con.
Vùng áp lực mầm bệnh thấp:
Lần 1: Từ 6 – 8 tuần tuổi: liều 0,3ml/ con.
Lần 2: Từ 2- 4 tuần tuổi đến trước khi bắt đầu đẻ: liều 0,3ml/ con.
Vaccine Gallimune H9+ND
Để hỗ trợ người chăn nuôi trong công tác chủng ngừa vaccine tại trại, Đội ngũ tiêm phòng vaccine - VTS với kỹ năng kỹ thuật chuyên môn cao cùng rất nhiều máy móc và trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác tiêm chích và phun vaccine tại các cơ sở trạm ấp và tại trang trại, góp phần giúp người chăn nuôi tối ưu hóa thời gian, công sức và hiệu quả khi chủng ngừa cho đàn gà.
Máy phun Spravac II tại trạm ấp
Máy phun Ulvavac và solovac tại trại
Máy Spraycart Dual - Máy phun chuồng tầng cho gà đẻ
Tác giả: BSTY. Võ Hoài Tâm - Nhân viên kỹ thuật miền Nam
Công ty TNHH Olmix Asialand Việt Nam
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Thị Loan, 2018. Nghiên cứu dịch tễ học bệnh viêm phế quản truyền nhiễm ( IB Virus) ở gà nuôi tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam
An, V.T.T, Yến, N.T.K và Dũng, H.H. (2012) Phân lập, định serotype virus viêm phế quản truyền nhiễm từ gà thịt.
Cavanagh Dave (2007) Coronavirus avian infectious bronchitis virus.
Faruku Bande, et al. (2017) Global distributions and strain diversity of avian infectious bronchitis virus: a review
Hofstad, M.S. and Yoder Jr., H.W. (1996) Avian Infectious Bronchitis: Virus Distribution in Tissues of Chicks.
Boltz et al., (2004) Avian infectious bronchitis virus: a possible cause of reduced fertility in the rooster.