1. Cảnh báo
Con người cũng có thể bị nhiễm các loại giun móc Ancylostoma ký sinh ở chó, mèo do thường xuyên tiếp xúc với vật nuôi gần gũi với người.
Giun móc chó, mèo có tên khoa học là Ancylostoma caninum, Ancylostoma braziliense, Uncinaria stenocephala là những loại giun móc sống ký sinh ở trong ruột chó, mèo; ngoài ra có thể sống ký sinh ở khỉ và các loại động vật ăn thịt khác như mèo rừng, hổ, báo, cầy giông… Ở ký chủ bình thường là các loại động vật, loại giun móc có chu kỳ phát triển giống như loại giun móc ký sinh và gây bệnh ở người như Ancylostoma duodenale và Necator americanus.
Trong điều kiện con người tiếp xúc với phân chó, mèo, các động vật khác hoặc môi trường mang mầm bệnh thì ấu trùng của các loại giun móc này có thể xâm nhập lạc chủ sang người nhưng ấu trùng giun không có khả năng đi sâu vào trong cơ thể mà chỉ di chuyển quanh mô dưới da, chúng tồn tại ở đó trong nhiều tuần lễ gây nên hội chứng ấu trùng di chuyển dưới da (visceral larva migrans).
2. Đặc điểm bệnh giun móc trên chó
Là bệnh nguy hiểm nhất trong các bệnh giun tròn của chó do 2 loại giun móc chính: Ancylostoma canium và Uncirania stenocephala gây ra. Giun móc có kích thước khoảng 5 – 19cm, đầu hơi phình to, tròn hướng về phía bụng mang 3 đôi răng cong khỏe bám móc chặt vào thành ruột non tựa như móc câu. Giun móc gây hội chứng thiếu máu, bại huyết do hồng cầu bị phá hủy, tiêu chảy có máu và nhầy mũi do niêm mạc ruột tổn thương phân hủy (thường bị lầm tưởng do Amip).
Chó non, bệnh cấp tính có thể gây chướng bụng, đau bụng dữ dội, kêu la rồi chết nhanh thậm chí không có triệu chứng gì khác.
Chó trưởng thành bệnh mãn tính kéo dài, mặc dù vẫn có thể ăn, nhưng gầy yếu, xù lông, chậm lớn. Niêm mạc miệng, lưỡi, lợi trắng bệch , tiêu chảy phân đen có nhày mũi, có dính máu ở đầu hoặc cuối bãi phân, mùi khẳm, tanh đặc biệt. Da nhăn nhúm, gầy do mất nước, khát nước, chó có thể chết bất lỳ lúc nào do vỡ hồng cầu, mất máu, thiếu oxy. Nếu chó thở thể bụng thở phập phồng, thở gấp khả năng chết rất cao. Ấu trùng giun móc có thể nhiễm qua da gây ngứa ngáy khó chịu. Chó thường gãi, cắn đứt da tựa như có ve rận. Một trại chó, nếu thấy chó chết rải rác mà có các triệu chứng bệnh kể trên, cần cảnh giác về nhiễm nặng giun móc ở đàn chó.
Trứng giun móc theo phân chó thải ra ngoài môi trường tiếp tục phát triển, sau 24 giờ hình thành phôi thai và 3 – 6 ngày sau nở thành ấu trùng tùy thuộc nhiệt độ môi trường. Ấu trùng hình gậy lớn nhanh, biến thái và trở thành ấu trùng hình sợi bọc kén để dễ dàng xâm nhập vào ký chủ qua da hay miệng. Vào cơ thể ký chủ, ấu trùng giun móc tự mất vỏ cứng để di hành vào ống tiêu hóa, thậm chí vào phổi rồi hình thành túi miệng và các khí quan của giun trưởng thành.
3. Lây nhiễm giun móc ở chó:
- Qua đường miệng: do nuốt phải hoặc ngửi bãi phân chó có ấu trùng giun móc.
- Qua da, kẽ móng chân hoặc gang bàn chân tiếp xúc với môi trường có ấu trùng giun móc.
- Qua nhau thai trong kỳ mang thai cơ thể mẹ có nhiễm ấu trùng.
- Qua bú sữa mẹ.
4. Chẩn đoán và điều trị bệnh giun móc
Qua các triệu chứng lâm sàng và dịch tễ học có thể đánh giá khả năng nhiễm giun móc.
Xét nghiệm mẫu phân, dễ dàng tìm thấy trứng giun móc qua kính hiển vi. Một con giun móc có thể đẻ tới 20.000 trứng/ngày.
Các loại thuốc trị chỉ có thể giết được giun móc trưởng thành không diệt được trứng và ấu trùng. Chó cần được điều trị tổng hợp bằng các loại thuốc dùng đường uống hoặc tiêm để trị giun, chăm sóc, truyền bù dịch , trị viêm ruột, cầm máu, thậm chí phải truyền máu khi thiếu máu trầm trọng.
Chọn thuốc có tác dụng với nhiều loại giun đạt hiệu quả cao như: Albendazole, Mebendazole hoặc Pyrantel.
5. Phòng bệnh giun móc
Cho tẩy giun phòng bệnh định kỳ. Những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao cần có chỉ định riêng của Bác sĩ Thú Y. Sản phẩm Heartgard (Ivermectin + Pyrantel) có tác dụng trị và phòng tốt với giun móc.
Vệ sinh môi trường, quản lý và xử lý chặt chẽ nguồn phân có lây nhiễm ấu trùng giun móc.
Thông báo cho Bác sĩ Thú Y thường xuyên kiểm tra, xét nghiệm phân tại những nơi có tiền sử chó chết vì giun móc để có những tư vấn cần thiết.
Chó mẹ mang thai ngày thứ 40 và chó con ngay từ 14 ngày tuổi cần được tẩy giun móc theo chỉ dẫn của các Bác sĩ Thú Y.
Chó sơ sinh nên tẩy giun 2 tuần 1 lần: ở các thời điểm 2, 4, 6, 8 tuần tuổi.