user

HỘI THẢO CHIA SẺ TÌNH HÌNH BỆNH LEUCOSIS & GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT BỆNH, HÀ NỘI, NGÀY 28.11.2019

Thứ năm, ngày 28.11.2019, tại Hà Nội, công ty TNHH Việt Pháp Quốc Tế (Viphavet) phối hợp cùng với Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) tổ chức hội thảo chuyên đề kỹ thuật với chủ đề: “Chia sẻ tình hình bệnh Leucosis và Giải pháp kiểm soát bệnh, tiến tới loại trừ bệnh Leucosis trên các đàn gà giống”.

Để khai mạc chương trình, TS. Nguyễn Thanh Sơn – chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam có đôi lời phát biểu: “Leucosis là bệnh sinh khối u ở gia cầm phổ biến nhất được tìm thấy trong đàn gà trên toàn thế giới. Bệnh do leuco virus gây ra, gây giảm ăn, tỷ lệ chết cao, giảm sản lượng trứng rõ rệt ở gà đẻ, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi gia cầm. Mục tiêu của hội thảo lần này nhằm đưa ra các giải pháp giúp bà con nông dân phòng ngừa và loại bỏ bệnh leucosis ở các trại gà giống.”

“Ở Việt Nam, hầu hết các trang trại chăn nuôi đều có nguy cơ mắc phải virus này. Là bệnh do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, gây tổn thất lớn về mặt kinh tế cho người chăn nuôi. Bệnh có khả năng lây truyền dọc từ gà mẹ sang trứng và lây truyền ngang giữa con bệnh và con khỏe trong đàn.” – TS. Phan Văn Lục Phó – phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm trong phần chia sẻ về tình hình bệnh Leucosis ở Việt Nam.

Trong hội thảo lần này, ban tổ chức đặc biệt mời TS. Pavel Trefil – chuyên gia kỹ thuật gia cầm đến từ CH Czech đến để chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp được sử dụng phổ biến trên thế giới. Theo chuyên gia: “Để kiểm soát được bệnh Leucosis trong trang trại, công tác tuyển chọn giống gà bố mẹ là nắm vai trò quyết định. Việc kiểm tra kháng thể ở gà bố mẹ là rất cần thiết để đảm bảo gà bố mẹ sạch bệnh, giúp dễ dàng kiểm soát được vấn đề truyền dọc và giữ an toàn đàn gà thương phẩm. Cần chọn những nơi cung cấp giống uy tín và chất lượng, loại bỏ những đàn có nguy cơ dương tính với virus.”

Cũng theo TS Pavel: “An toàn sinh học cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh lây lan trong trại. Cần kiểm soát gắt gao các trường hợp ra ngoài trại nhằm loại bỏ việc lây nhiễm mầm bệnh từ môi trường bên ngoài và môi trường bên trong trại. Vệ sinh, khử trùng máy ấp và dụng cụ ấp, không ấp nở trứng nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Đảm bảo vệ sinh chăn nuôi, khử trùng chuồng trại và dụng cụ, thiết bị chăn nuôi. Giữ vững quy trình an toàn sinh học trong trại chính là chiến lược dài hạn để loại trừ bệnh Leucosis ra khỏi đàn.”

Hội thảo diễn ra thành công và thu hút được sự tham gia của nhiều chủ trang trại chăn nuôi gia cầm lớn ở khu vực phía bắc. Viphavet với phương châm luôn sát cánh cùng bà con nông dân, đem đến các kiến thức mới và tiên tiến nhất, góp phần phát triển ngành chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam.

@TS Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam. Nguồn: VPV

@TS. Phan Văn Lục Phó - phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam. Nguồn: VPV

@TS. Pavel Trefil - chuyên gia kỹ thuật gia cầm CH Czech. Nguồn: VPV

@Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các khách hàng tham dự. Nguồn. VPV

@Đại diện công ty Viphavet và đại diện Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cùng TS Pavel Trafil. Nguồn: VPV

@Chụp ảnh kỷ niệm cùng khách hàng tham dự. Nguồn: VPV